Làm thế nào chắc chắn quy trình hoàn thiện phần móng diễn ra hoàn hảo?
5 (100%) 1 vote

Từ cuối tháng 8 trở đi là thời điểm công ty chúng tôi nhận được rất nhiều công trình thiết kế nhà ở. Bởi lẽ mùa thu và mùa đông rồi tiếp sang xuân chính là thời điểm đẹp để khởi công các công trình xây dựng. Nhận thấy được nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng cao, chúng tôi quyết định dành riêng một bài viết này để tổng kết lại quy trình hoàn thiện phần móng mà có lẽ rất nhiều người cũng đang có chung thắc mắc.

Phần móng được coi là bộ phận quan trọng nhất của ngôi nhà, móng có chắc khỏe thì ngôi nhà mới vững chãi, còn nếu móng yếu sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới sự an toàn của các thành viên trong gia đình. Quy trình hoàn thiện phần móng bao gồm rất nhiều các bước, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các quy trình này ngay sau đây nhé:

Quy trình hoàn thiện phần móng – Đào đất

Đào đất có thể coi là bước thi công đầu tiên khi thợ thi công tiến hành xây dựng bất kì một ngôi nhà nào đó. Thực chất công đoạn này bao gồm các công việc như đường công vụ, nắn dòng, lắp dựng hay tháo dỡ các hệ thống bơm tát nước, thoát nước trong phạm vi công trình, loại bỏ các vật liệu không phù hợp nằm dưới móng, đổ bù các loại vật liệu cần thiết,…

Đào đất là công việc đầu tiên khi thi công một công trình xây dựng
Đào đất là công việc đầu tiên khi thi công một công trình xây dựng

Một số yêu cầu kỹ thuật khi đào đất

Khi thực hiện quy trình đào đất, cần chú ý một số yêu cầu về kỹ thuật đã được các chuyên gia nghiên cứu và quy định để công việc này được diễn ra một cách suôn sẻ;

  • Cần giải phóng được toàn bộ chướng ngại vật xung trong phạm vi xây dựng công trình để tạo được sự thuận lợi trong công tác thi công đào đất.
  • Chiều rộng của đáy móng băng và móng độc lập phải được thiết kế tối thiểu bằng chiều rộng kết cấu cộng với lớp chống ẩm, khoảng cách để đặt ván khuôn, neo chằng và tăng thêm khoảng 200m.
  • Đặc biệt lưu ý, khi đào hố móng thợ thi công cần phải để lại một lớp bảo vệ để chống xám thực và các tác nhân xấu từ môi trường như mưa, nắng, bão, gió,… Lớp bảo vệ chỉ được bóc  đi trước khi bắt đầu xây dựng công trình.
  • Khi nhận thấy hố móng là phần đất mềm, không được đào sâu quá cao trình thiết kế. Còn nếu đất có lẫn đá tảng, đá mồ côi thì phần đào quá cao trình thiết kế, bạn phải bù đắp lại bằng vật liệu cùng loại hoặc cát, sỏi.
  • Trước khi đào đất, phải xây dựng hệ thống công tác tiêu nước bề mặt và nước ngầm. Hệ thống tiêu nước bề mặt có tác dụng ngăn không cho nước chảy vào hố móng công trình. Tiết diện và độ dốc của móng cần phải được đảm bảo thoát nhanh lưu lượng nước mưa và các nguồn nước khác.
  • Trong trường hợp hồ móng nằm dưới mực nước ngầm thì cần phải thực hiện thiết kế các biện pháp hạ mực nước ngầm bằng cách sử dụng rãnh lộ thiên hoặc rãnh ngầm, cũng có thể bố trí thêm giếng sâu trong tầng chứa nước và bơm nước liên tục ra ngoài.

Cách tính khối lượng đào đất hố móng

Tính toán khối lượng đào đất giúp đảm bảo được kết cấu của công trình
Tính toán khối lượng đào đất giúp đảm bảo được kết cấu của công trình

Khối lượng đất được đào lên cũng cần phải tính toán thật kỹ lưỡng để đảm bảo mọi thứ đều diễn ra hoàn hảo, ngôi nhà bạn xây dựng lên bởi các quy trình hoàn thiện. Khối lượng đào đất còn phụ thuộc vào hình dạng thực tế của hố móng. Bạn có thể tham khảo một cách tính vô cùng đơn giản mà chúng tôi thường khuyên các chủ nhà:

Khối lượng đào đất hố móng: V= 1/3H x ( S1 + S2 + SQRTS1x S2)

Trong đó: S1: là diện tích đáy lớn
S2: là diện tích đáy nhỏ
SQRTS1 xS2: Là căn bậc hai của S1 x S2
H: là chiều cao

Khối lượng móng chính là hình dạng tương tự đào đất nhưng có thêm phần trụ. Chính vì vậy người ta thường tính khối lượng móng = thể tích phần trụ + thể tích phần chóp cụt.

Biện pháp thi công đào đất

Bạn đừng nghĩ rằng đào đất chỉ là công việc đơn giản và dễ dàng, công đoạn thi công này đòi hỏi các kỹ sư tư vấn và thợ thi công tính toán thật kỹ lưỡng:

Chuẩn bị đào đất

Chuẩn bị đào đất hố móng

Ở công đoạn này, bạn cần phải giải phóng được mặt bằng, tiêu nước bề mặt và nước ngầm, làm đường tạm, định vị dựng khuôn công trình để có thể tạo được điều kiện thuận lợi cho công tác thi công đất.

Công tác thi công đào đất

San mặt bằng: Đây là công đoạn bạn cần nhờ tới máy ủi để đào và đắp đất. Còn máy cạp sẽ có nhiệm vụ san đất và đầm sát sơ bộ cho hố móng.

Đào đất hố móng: Khi thực hiện đào hố móng công trình cần tiến hành theo đúng quy trình công nghệ trong thiết kế thi công, đặc biệt cần có các biện pháp chống sạt lở, lún và làm biến dạng những công trình lân cận. Ở bước này, đòi hỏi phải lập bản vẽ thi công cho từng trường hợp.

Quy trình hoàn thiện phần móng – Thi công ván khuôn

Thi công ván khuôn
Thi công ván khuôn là bước tạo độ vững chắc cho móng nhà

Một số yêu cầu của ván khuôn

  • Khi thực hiện làm móng, ván khuôn cần đảm bảo vững chắc, đạt được chiều dày cần thiết, không bị biến dạng do trọng lượng của bê tông, cốt thép hay tải trọng trong quá trình thi công.
  • Ván khuôn cần được thiết kế kín, không bị chảy nước trong quá trình đổ bê tông hoặc đầm đè lên bê tông.
  • Đặc biệt ván khuôn cần phải được định hình vuông vắn, đúng hình dáng và kích thước cấu kiện để các khuôn bê tông được chắc chắn.
  • Ván khuôn sàn có thể lót bạt bên trên ván nhằm tránh tối đa việc mất nước xi măng.

Biện pháp thi công ván khuôn móng:

  • Việc gia công, lắp dựng ván khuôn cần phải phù hợp với đặc thù của từng loại móng. Các thanh chống lên thành đất cần phải được chú ý kê trên những tấm gỗ có chiều dày ít nhất là 3cm nhằm giảm lực xô ngang khi đổ bê tông.
  • Đối với những gia đình lựa chọn móng cọc có thể sử dụng thêm gạch cháy để làm ván khuôn trong giai đoạn xây đài móng và giằng móng.
  • Tim móng và cổ cột cần phải được định vị chính xác và xác định cao độ hợp lý.

Thi công ván khuôn cột

Ván khuôn cột luôn bao gồm hai phần chủ yếu là phần khuôn giúp tạo được hình dạng cho cột, đảm bảo chúng có kích thước chuẩn, đúng theo thiết kế và phần gông có nhiệm vụ giữ cho cán luôn ổn định.

  • Đối với những loại cột có kích thước nhỏ (chiều cao <400mm), ván khuôn cột lúc này sẽ được đóng sẵn thành hộp 3 mặt có kích thước theo thiết kế và được lắp dựng vào vị trí của cột. Sau đó ghép dần ván khuôn mặt còn lại của cột và đổ bê tông từ dưới lên sao cho từng lớp cách nhau khoảng 40-60cm.
  • Đối với những loại cột có kích thước lớn, mỗi một mặt có thể ghép từ nhiều mảng, sau khi chúng ta đã ghép các mảng ván theo hình dạng của cột dùng gông bằng gỗ hoặc thép để cố định lại. Lưu ý,khoảng cách giữa các gông cần nằm trong khoảng 0,4-0,6 cm. Chân ván khuôn cột cần phải chừa ra một cửa nhỏ để vệ sinh khi đổ, kích thước cửa này khoảng 30x40cm và có nắp đậy đã được gia công sẵn.
  • Đặc biệt, đối với những loại cột cao, nếu chúng ta đổ trực tiếp bê tông từ đầu cột xuống, lúc này bê tông sẽ có hiện tượng bị phân tầng. Để có thể khắc phục được tình trạng này, bạn nên đổ bê tông từng lớp 40-60 cm sau đó mới tiến hàng đầm dùi và đổ thêm lớp tiếp theo.

Quy trình hoàn thiện phần móng – Đổ bê tông móng và cột

Đổ bê tông móng
Đổ bê tông móng là một trong những bước trong quy trình hoàn thiện phần móng

Khi thi công đổ bê tông móng, cần phải thực hiện một cách nghiêm túc và đúng quy phạm. Thợ thi công cần loại bỏ được đất rác có trong cát, rửa đá, sỏi và sàng cát tránh phá vỡ kết cấu bê tông.

Đổ bê tông móng cột

  • Móng cột là loại móng ở dưới các hố độc lập. Những loại móng này rất hay gặp trường hợp bị rỗ ở sát chân bậc thang của móng. Bạn cần đắp một ít bê tông dẻo vào cạnh dưới của cốp pha để xi măng không bị chảy ra ngoài. Đặc biệt lưu ý không đổ bê tông ở mặt của bậc thang dưới ngay từ đầu vì khi đổ bậc trên, bê tông sẽ chảy xuống bậc dưới.. Sau khi đã đổ xong cần sửa sang lại các bậc và dùng bàn xoa gỗ đập và xoa phẳng bề mặt bê tông.
  • Trong trường hợp chiều sâu của móng dưới 3m, bạn có thể sử dụng máng nghiêng để đổ bê tông. Lưu ý đầu của máng không được tỳ trực tiếp vào hệ khuôn móng. Đổ theo lớp ngang với chiều dày mỗi lớp từ 20 tới 30 cm. Để có thể đảm bảo được sự liên kết giữa lớp bê tông, phải đổ sao cho lớp trên chồng lên lớp dưới khi lớp dưới bắt đầu đông kết.

Đổ bê tông móng bằng

Mặt cắt của bê tông có hình thang, mái dốc nhỏ, không cần phải ghép cốp pha trên mặt mà bạn chỉ cần ghép hai bên thành lại với nhau. Thợ thi công có thể sử dụng đầm bàn kết hợp với bản xoa để thi công trộn bê tông tương đối khô vì đầm dễ chảy. Nên sử dụng cữ gỗ đóng theo hình dạng của móng để kiểm tra. Sau đó đổ bê tông móng theo nguyên tắc đổ ở vị trí xa trước, phía gần sau. Nên bắc sàn công tác ngang qua hố móng để không đứng trực tiếp trên thành cốp pha hoặc cốt thép tránh trường hợp gây sai lệch vị trí đã quy định.

Như vậy, trên đây là toàn bộ quy trình và các bước thi công trong quy trình hoàn thiện phần móng. Hy vọng qua những thông tin mà chúng tôi cung cấp, bạn có thể hiểu hơn về quy trình này và tích lũy thêm được kinh nghiệm cho gia đình mình.